Những chuyên gia hàng đầu từng chinh chiến trong nghề đã bật mí những câu chuyện rất thật xung quanh cuộc sống, công việc của một người vệ sĩ chuyên bảo vệ khách VIP.
Các CEO của những tập đoàn lớn, các đại gia hay nhiều ngôi sao nổi tiếng đều cần đến dịch vụ bảo vệ đặc biệt. Và nơi họ thường tin cậy tìm đến là những công ty vệ sĩ chuyên nghiệp.
Những vệ sĩ cho VIP trong tưởng tượng của nhiều người thường có thân hình to cao, lực lưỡng, gương mặt lạnh lùng. Họ thường mang theo vũ khí và luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ.
Tuy nhiên còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết hoặc hiểu chưa đúng về họ.
Mới đây, trang Mental Floss đã bật mí những sự thật gây choáng nhất về nghề vệ sĩ cho VIP thông qua một buổi trò chuyện với những chuyên gia rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực “hot” nhưng cũng nhiều nguy hiểm trên.
Vũ lực và vũ khí là vô ích
Dựa vào hoàn cảnh mà các vệ sĩ có thể hoặc không cần phải mang theo vũ khí. Việc bảo vệ một ca sĩ tại buổi buổi diễn khác hoàn toàn với việc tháp tùng CEO của một công ty dược phẩm dính tai tiếng.
Ông Kent Moyer, chủ tịch Công ty World Protection Group và cũng là người từng làm vệ sĩ cho ông trùm Playboy Hugh Hefner cho biết: “Mọi người không hiểu đây không phải là nơi để chúng tôi đánh nhau hay rút súng.
Chúng tôi được đào tạo để ẩn núp, di tản và tẩu thoát khỏi nguy hiểm. Mục tiêu là không cần dùng đến vũ lực. Nếu tôi lao vào đánh là tôi thất bại, nếu tôi dùng súng đấu lại súng, tôi cũng thất bại”.
Không phải lúc nào to con cũng là nhất
Có thể khi phải tham gia kiểm soát một đám đông hoặc cố gắng ngăn chặn một đội quân những cô cậu tuổi teen đang la hét đòi lao về phía thần tượng của mình thì việc sở hữu thân hình to con quả thật hữu ích.
Thế nhưng không phải vệ sĩ nào cũng cần phải có thân hình to lớn như một võ sĩ chuyên nghiệp. “Điều này thực sự còn phụ thuộc vào khách hàng”, Anton Kalaydjian – cựu đội trưởng an ninh cho rapper 50 Cent cho biết.
“Nó cũng giống như kiểu bạn đi mua xe hơi vậy. Đôi khi họ muốn một chiếc xe SUV cỡ lớn và có lúc họ lại muốn một chiếc xe nhỏ tiện lợi. Cũng có khách hàng yêu cầu một tay vệ sĩ có diện mạo, ăn vận bình thường mà không cần đeo tai nghe, không phải là một quái vật”, ông Anton lý giải.
Chẳng hào nhoáng như mọi người nghĩ
Mọi người thường thấy các vệ sĩ “dính như sam” với những nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ cũng có cuộc sống hào nhoáng như khách hàng của họ vậy. Thực tế là không.
“Nhầm lẫn lớn khi nghĩ chúng tôi cũng sống cuộc đời như các ngôi sao. Vâng, chúng tôi đôi lúc cũng được đi phi cơ riêng nhưng chúng tôi không ở đó để tận hưởng các tiện nghi.
Chúng tôi có thể sống trong nhà của họ đó nhưng chúng tôi không dùng tới bể bơi. Nói tóm lại bạn dùng đồ của mình và hưởng những thứ mà mình có”, ông Kalaydjian nhấn mạnh.
Bên cạnh đó vị chuyên gia này cũng nhận định những vệ sĩ mê hưởng thụ với cuộc sống như vậy sẽ chẳng trụ được với nghề bao lâu.
Đôi khi xuất hiện chỉ để làm màu
Có những người thích gây chú ý bằng việc thuê một đoàn vệ sĩ về trưng trong khi chẳng hề có mối đe dọa nào liên quan.
“Đó là thứ tiện nghi xa xỉ”, ông Schissel bày tỏ. Ông Moyer cho biết thêm: “Không hề có đe dọa nào. Chỉ để làm màu. Tôi từ chối những ca thế này. Chúng tôi cần làm công việc bảo vệ thực sự”.
Đu bám vào khách VIP để nổi tiếng
Khi đánh giá, cân nhắc trong quá trình tuyển nhân viên mới, ông Kalaydjian sẽ không chấp nhận những người muốn đu bám theo sự nổi tiếng của khách hàng.
“Tôi từng chứng kiến việc các vệ sĩ làm những thứ mà họ không nên làm. Họ làm những việc đó là để nhiều người biết đến mình, ông Kalayjian kể lại.
Việc các vệ sĩ đăng ảnh chụp cùng với khách hàng lên mạng xã hội được cho là “sát thủ nghề nghiệp”. Chẳng ai trong ngành này coi trọng những tay vệ sĩ như vậy.
Không phải khách VIP nào cũng bỏ tiền túi ra trả cho vệ sĩ
Nếu bạn nhìn thấy một nghệ sĩ được vây quanh bởi các nhân viên anh ninh thì đừng vội nghĩ là anh ấy hay cô ấy đã bỏ tiền túi ra để chi trả cho dịch vụ bảo vệ.
Rất nhiều ngôi sao không thể tự chi trả khoản phí thuê vệ sĩ riêng toàn thời gian. Có lúc chính đoàn làm phim hoặc chương trình truyền hình đứng ra chi cho họ.
Khi công việc hoàn tất, họ không còn được hưởng dịch vụ này hoặc chỉ được hưởng ở mức tối thiểu”, ông Moyer chia sẻ.
Khâu chuẩn bị tốt khiến VIP luôn thấy hài lòng
Các vệ sĩ sẽ tìm hiểu và nắm rõ các địa điểm cần đến của khách hàng. Họ thường biết chính xác việc ra vào những địa điểm này ra sao để khách hàng không bị lúng túng về đường đi cũng như gặp vấn đề về mặt an ninh.
Đó là lý do tại sao mà các CEO hay ngôi sao có thể có một ngày làm việc hiệu quả hơn khi sử dụng vệ sĩ có công tác chuẩn bị tốt.
“Nếu tôi đưa bạn tới công ty ty giải trí Warner Bros, tôi biết đâu là cổng vào. Tôi cũng có những thông tin trước sự kiện và tôi biết vị trí của các nhà vệ sinh.
Với các khách VIP làm được nhiều hơn nghĩa là kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ tiền cho dịch vụ vệ sĩ là xứng đáng”, ông Moyer giải thích.
Mạng xã hội gây khó dễ cho công việc
Những ngôi sao nổi tiếng thường tương tác với người hâm mộ nhiều thông qua mạng xã hội. Họ thường đăng tải sự kiện hoặc nơi mà họ đến trên trang cá nhân.
Đối với fan, thật thú vị khi biết được lịch trình của thần tượng. Tuy nhiên với những kẻ có ý đồ xấu, đó lại là cách vẽ đường cho hươu chạy.
“Đôi khi khách hàng thậm chí chẳng hề nói với tôi câu nào về kế hoạch của họ. Rồi tôi thấy thông tin trên Snapchat rằng họ sẽ có mặt tại một trung tâm thương mại vào lúc 2 giờ chiều”, ông Kalaydjian than thở.
Vệ sĩ được thuê bảo vệ ông chủ trước nhân viên
Tình trạng bạo lực nơi công sở tăng cao làm cho không ít công ty lo sợ bị trả thù sau mỗi đợt sa thải nhân viên.
Alan Schissel, cựu cảnh sát thành phố New York và cũng là người sáng lập dịch vụ vệ sĩ Integrated Security tiết lộ ông nhận được nhiều yêu cầu bảo vệ từ trường hợp này.
“Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung cấp dịch vụ bảo vệ có vũ trang khi có ai đó sắp bị đuổi việc trong công ty.
Họ muốn đảm bảo cá nhân đấy không quay trở lại và trả thù công ty”, cựu cảnh sát này nói.